Friday, June 15, 2007

Nước tương đen

Ở đây tôi không bàn đến vụ “nước tương đen”, mà chỉ muốn bàn qua thái độ trao đổi và đưa thông tin. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông Đoàn Hưng nhận xét rằng ý kiến của ông Phạm Quang Tuấn là “vòng vo”! Thật ra, chính ý kiến của ông Đoàn Hưng mới lạc đề và không cần thiết. Không cần thiết là vì ông hoàn toàn không cho thêm thông tin nào có ích. Lạc đề vì đang bàn chuyện nước tương đen ông nhảy sang chuyện ông quan toà Clarence Thomas!

Theo tôi, ông Phạm Quang Tuấn rất thẳng thắn chỉ ra cái sai của ông Nguyễn Kim Bình. Hãy đọc ý kiến của ông Phạm Quang Tuấn: “Ông Nguyễn Kim Bình cho những thông tin không cập nhật. Không cập nhật tức là sai. Vì không biết thông tin của mình sai, nên ông Nguyễn Kim Bình viết rằng ông Nguyễn Đình Nguyên viết sai. Ông Nguyễn Đình Nguyên cải chính và cho biết rõ thông tin chính xác và cập nhật.”

Có cách viết nào ngắn gọn hơn câu trên? Không thừa. Không thiếu. Đi thẳng vào vấn đề. Chúng ta cần nhiều ý kiến như thế!

Thật ra, ông Nguyễn Kim Bình mới chính là người “vòng vo tam quốc”. Thay vì trả lời thẳng thắn và ghi nhận nhầm lẫn của mình, ông biện minh lòng vòng, và thậm chí còn khoe cả việc ông từng làm sếp trong “một Phòng Xét nghiệm Y khoa (Pathology Laboratory), một Phòng Kiểm nghiệm (Quality Control Laboratory)”, những thông tin chẳng liên quan gì đến vấn đề.

Vấn đề ở đây là ông Nguyễn Kim Bình không những trích dẫn số liệu thiếu cập nhật hoá, mà còn sai phạm trong việc trích dẫn. Chẳng hạn, ông Nguyễn Kim Bình viết, “Do đó, qui định của SCF không cho phép bất cứ hàm lượng nào (undetectable) của 1,3-DCP trong thực phẩm. Một số các quốc gia khác cũng có những qui định nghiêm ngặt tương tự Liên Âu như Canada, Úc,…kể cả Singapore v.v...[8]” và đề nguồn tại http://cat.inist.fr/?aModele=afficheN&cpsidt=17503410, nhưng bài báo đó không hề có phát biểu đó. Như vậy là thiếu thành thật tri thức.

Trả lời của ông NKB: Lại vòng vo và khoe!

Trong ý kiến vừa qua, tôi có viết rằng: “…nhưng không thấy (ông Nguyễn Đình Nguyên) ghi chú tài liệu tham khảo. Có thể ông quên. Nhưng chắc chắn tôi sẽ bị thuyết phục và cảm ơn nếu được chỉ cho thấy một thông cáo chính thức.”

Do chưa có câu trả lời thoả đáng, để tự tìm lấy một kết luận chính thức và dứt khoát về quy định hàm lượng của 3-MCPD và 1,3 DCP trong nước tương của Úc và Tân Tây Lan, tôi đã gửi một email tới cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc-Tân Tây Lan (Food Standards Australia New Zealand), yêu cầu cho biết quy định hàm lượng chính thức của hai chất trên. Ngày hôm nay (Wed, 13/06/07), tôi nhận được email trả lời cho biết quy định cụ thể và chính thức như sau:

1. Cho chất 3-MCPD: là 0.2 mg/kg trong nước tương, tính theo 40% trọng lượng khô.

2. Cho chất 1,3 DCP: là 0.005 mg/kg trong nước tương, tính theo 40% trọng lượng khô.

Theo một nghiên cứu [1] , nước tương và các sản phẩm tương tự (như dầu hào, xì dầu đặc, v.v…), chứa từ 13.6 - 77.2% trọng lượng khô.

Như thế, chi tiết về quy định hàm lượng của 3-MCPD và 1,3 DCP “cho riêng” Úc & Tân Tây Lan trong bản báo cáo của Thái Lan, mà ông Nguyễn Đình Nguyên trích lại, là chính xác. Xin thông báo lại cho rõ, và xin cáo lỗi đến ông Nguyễn Đình Nguyên, khi tôi đã cho rằng số liệu này (và chỉ với số liệu này) của Thái lan là không cập nhật.

Lẽ ra sai sót trên của tôi, sau những cố gắng cật lực tìm tòi trên mạng mà không phát hiện, sẽ không xảy ra nếu bản báo cáo của Thái Lan có ghi chú đầy đủ các nguồn tham khảo. Mọi điều có thể sẽ được giải đáp thoả đáng, dễ dàng. Một bản báo cáo khoa học, chứa nhiều số liệu dùng để biện minh từ rất nhiều nguồn, của một Viện Tiêu chuẩn Quốc gia (Thai Industrial Standards Institute, Bộ Công nghiệp) [2] , mà lại không có ghi chú các tham khảo theo như nguyên tắc đòi hỏi cho các tài liệu, báo cáo khoa học, là chuyện rất lạ, cực hiếm. Xin hiểu, đây là một phát biểu thêm, mang tính phê phán được cho phép, về một yếu tố (và cũng là nguyên tắc) rất quyết định cho các kết luận trong cuộc trao đổi này. Cũng như cho mọi trao đổi về khoa học.

Nhân đây cũng xin có vài điều với ông Trần Đình Hoàng:

Nếu ông nhìn lời phát biểu với ý “không có kinh nghiệm về kiểm nghiệm thực phẩm dù từng phụ trách các phòng kiểm nghiệm y khoa và dược phẩm” của tôi là một điều khoe khoang (?) thì ông quá khắt khe hoặc thiên kiến. Phát biểu này chỉ nói lên sự ngần ngại lạm bàn về một lãnh vực khá gần gũi, dù có nhiều kinh nghiệm (không tệ) trong các lãnh vực rất tương tự. Xin ông Trần Đình Hoàng hiểu đúng như thế.

Trong lãnh vực khoa học, sai lầm hay sai sót, là điều có thể xảy ra; và thường bị nghiêm khắc chỉnh sửa, thậm chí chỉ trích mạnh mẽ. Các điểm bị nhắm vào là: phương pháp, trang thiết bị, thuốc thử, số liệu, tài liệu tham khảo, kết quả, so sánh, giải thích, suy luận, kết luận, v.v… Đây là điều bình thường và cần thiết, vì tranh luận các kết quả khác biệt trong khoa học là một trong các động lực chánh thúc đẩy cho các tiến bộ về khoa học. Nhưng bàn về khoa học lại qua những lăng kính thành kiến, nhằm mục đích đả kích cá nhân hơn là phục vụ và tìm tòi sự thật, là một điều thật xa lạ, phản khoa học. Điều này thì chắc ai cũng đồng ý là… rất đáng chê trách.


[1]http://cat.inist.fr/?aModele=afficheN&cpsidt=15561070[2]http://www.tisi.go.th/3_MCPD/3_MCPD.html

No comments: