Friday, June 15, 2007

Làm khoa học trên mạng

Làm khoa học trên mạng

Trần Đình Hoàng

Xin cảm ơn ông
Nguyễn Kim Bình đã chỉ dạy về cách làm việc trong khoa học của các khoa học gia như ông. Tôi chỉ biết tin rằng ông là một nhà khoa học có “kinh nghiệm (không tệ)” trong lĩnh vực thực phẩm như ông tự hào tuyên bố. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy tiếc là ông quá khiêm tốn, không cho đồng hương như chúng tôi tiếp cận và ngưỡng mộ những thành tựu nghiên cứu về thực phẩm hay về nước tương của ông đã được công bố ở đâu và lúc nào.

Tôi chỉ là một người tiêu thụ nước tương như hàng triệu người khác chẳng biết gì đến chuyện nước tương đen độc hại ra sao. Chúng tôi chỉ trông chờ vào các nhà khoa học như ông cho thông tin chính xác. Nhưng rất tiếc rằng cách làm khoa học của một nhà khoa học có kinh nghiệm như ông Nguyễn Kim Bình có vẻ đơn giản quá, chỉ “cố gắng tìm tòi trên mạng” rồi viết thành một bài báo. Hệ quả đáng tiếc là ông đã cung cấp thông tin thiếu cập nhật. Tôi phải tự hỏi rằng làm khoa học mà đơn giản thế sao? Tìm tòi trên mạng là làm khoa học ư? Nếu thật sự như thế thì tôi cũng làm khoa học được!

Ông Nguyễn Kim Bình chê Viện Tiêu chuẩn Kỹ nghệ của Thái Lan (Thai Industrial Standards Institute) thiếu hay không ghi chú tài liệu tham khảo theo như nguyên tắc làm khoa học, nhưng tôi thấy hình như cách làm việc của ông cũng không tuân theo nguyên tắc khoa học. Thật vậy, nhiều “trích dẫn” của ông là các đường link đến Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia ở Pháp (
http://cat.inist.fr), và cách trích dẫn này cũng rất lạ lùng, vì tôi thấy các nhà khoa học họ trích dẫn theo toàn bộ tên tác giả, bài báo, tạp chí, năm xuất bản, v.v… ngay trong bài viết của họ. Ví dụ như thay vì trích dẫn theo kiểu ông Nguyễn Kim Bình là http://cat.inist.fr/?aModele=afficheN&cpsidt=15561070, thì các nhà khoa học trích dẫn là: “Crews C, Hasnip S, Potter N, Brereton P. An in-house validated method for the determination of the dry matter content of soy sauce European Food Research and Technology. 2004;218(4):400-2”.

Chỉ ra lỗi lầm của người khác là một chuyện, nhưng vấn đề là một nhà khoa học có can đảm nhận lỗi của chính mình hay không là một chuyện khác. Xin nhắc lại rằng cho đến nay ông Nguyễn Kim Bình vẫn chưa chịu thú nhận rằng ông đã trích dẫn sai. Tôi hỏi lại cho rõ: trong tài liệu số
[8] (bài báo của K.O. Wong, Y. H. Cheong, và H. L. Seah (3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) in soy and oyster sauces: Occurrence and dietary intake assessment, đăng trên Food control năm 2006, số 17, trang 408-413) có đoạn văn nào để cho phép ông phát biểu rằng Singapore cũng có quy định không cho phép 1,3-DCP trong thực phẩm ở bất kỳ nồng độ nào giống như quy định của SCF? Nếu không có đoạn nào trong bài báo đó làm cơ sở cho nhận xét trên của ông, thì ông vẫn nợ bạn đọc chúng tôi một lời xin lỗi.

Thật ra, chẳng ai đòi hỏi ông Nguyễn Kim Bình phải nói đúng tất cả (vì sức người có hạn), và cũng không có ai đòi hỏi khoa học phải hoàn chỉnh. Vấn đề là những sai sót đó xuất phát từ đâu. Những “sai sót khách quan” xuất phát từ sự hạn chế của phương pháp nghiên cứu, sai số đo lường, hay sai sót do thiếu kiến thức, v.v… thì có thể châm chước được. Nhưng những hành vi vặn vẹo số liệu, trích dẫn từ một tài liệu hạng thứ nào đó làm cho người đọc tưởng rằng mình có trong tay và đã đọc tài liệu gốc (kiểu “tam sao thất bổn”), hay đọc bài báo chỉ qua phần tóm tắt (abstract), v.v… thì không thể xem là sai sót nữa, mà là một sự lường gạt, một hành vi thiếu thành thật tri thức, và không thể chấp nhận trong khoa học.

TĐH

No comments: